Dân trí
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ 2 tại địa bàn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm.
Chiều 28/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021.
Báo cáo tại đây, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ 2 tại địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm.
Liên quan đến vấn đề này, từ tháng 9/2020, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng dự thảo văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, phương án bố trí sân bay thứ 2 tại khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều ưu điểm. Cụ thể, khoảng cách và thời gian tiếp cận tới trung tâm Hà Nội hợp lý; có khả năng kết nối giao thông thuận lợi, tiếp cận đồng thời đường bộ, đường thủy và đường sắt; có khả năng bố trí được sân bay với quy mô diện tích khoảng 1.300 ha…
Tại buổi làm việc với Thủ tướng, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng cho biết, dự án cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng), cầu Thượng Cát (9.000 tỷ đồng) trước đây thành phố đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, nay do hình thức BT đã bị hủy bỏ nên Hà Nội có chủ trương chuyển đổi thực hiện bằng đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp.
Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ hỗ trợ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 quốc gia 4 dự án với nhu cầu vốn trên 21.000 tỷ đồng. Đây là các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà; xây dựng tuyến đường cao tốc đại lộ Thăng Long…
Để có ngân sách đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm, Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép rà soát quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở, di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế... các cơ quan đơn vị của Trung ương và thành phố, quỹ nhà đất chuyên dùng của thành phố và rà soát quỹ đất trước đây đã quy hoạch làm quỹ đất đối ứng thực hiện các dự án BT, nay dừng triển khai (dự kiến khoảng 8.900ha) để tổ chức đấu thầu, đấu giá.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế - xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016-2020 phát triển khá toàn diện. Diện mạo Thủ đô thay đổi nhanh. Môi trường đầu tư được cải thiện và câu nói "Hà Nội không vội được đâu" đã ít được nhắc tới. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội quý I-2021 đạt 5,17%, cao hơn mức bình quân cả nước. Đặc biệt, Hà Nội thực hiện khá hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng nhất trí quan điểm phát triển đối với Hà Nội là "xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương", xây dựng thành phố năng động và hội nhập, thành phố kiến tạo phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị của Hà Nội trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển. Về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Thủ tướng cho biết sẽ sớm có Nghị định về vấn đề này để thành phố triển khai thực hiện.
Quang Phong
Xem Them Chi Tiet
Nhung Mon Do Cong Nghe Duoc Yeu Thich
Do Cong Nghe Phu Kien
0 nhận xét:
Đăng nhận xét