Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Trung Quốc đang toan tính gì trên Biển Đông?

Dân trí

Động thái của Trung Quốc triển khai hơn 200 tàu neo đậu tại Đá Ba Đầu đang thu hút sự chú ý.

Trung Quốc đang toan tính gì trên Biển Đông? - 1

Một số tàu trong số 220 tàu Trung Quốc neo đậu đáng ngờ tại Đá Ba Đầu ngày 7/3 (Ảnh: Tuần duyên Philippines).

Nhìn lại kịch bản tại Vành Khăn 1995

Hành động mới đây nhất của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu diễn ra không lâu sau khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh (mới) vào ngày 22/1. Nhiều chuyên gia đã cho rằng luật này sẽ là phương tiện để Trung Quốc dựa vào đó, tiếp diễn các hành động quyết liệt, bạo lực trên Biển Đông. Trung Quốc rất có thể sẽ lặp lại kịch bản bành trướng tại đá Vành Khăn năm 1995 hay Scaborough năm 2012.

Cần phải nhắc lại, Luật Hải cảnh (mới) của Trung Quốc cho phép lực lượng cảnh sát biển nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể làm dậy sóng các vùng biển đang trong vòng tranh chấp xung quanh Trung Quốc.

Trung Quốc đang tranh chấp biển với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và với một số nước Đông Nam Á trên Biển Đông. Bắc Kinh đã điều tàu chấp pháp đánh đuổi các tàu đánh cá của các nước khác và đôi khi đánh chìm những tàu này.

Nhưng không dừng lại ở đó. Luật Hải cảnh (mới) kể trên còn cho phép cảnh sát biển Trung Quốc có quyền phá hủy các cấu trúc do các nước khác xây trên những thực thể mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố thuộc chủ quyền của họ, đồng thời cho phép cảnh sát biển Trung Quốc lên tàu và lục soát các tàu nước ngoài đi lại trong các vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là của mình.

Luật mới đầy khiêu khích của Trung Quốc chỉ thị lực lượng cảnh sát biển "áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, trong đó có cả sử dụng vũ khí, khi các cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này trên biển".

Luật cũng cho phép cảnh sát biển Trung Quốc tạo ra các khu cấm tạm thời "khi cần thiết" để chặn các tàu khác hay nhân sự nước khác xâm nhập. Vấn đề là những vùng biển nói trên không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Chỉ vài giờ sau khi Luật Hải cảnh trên được thông qua, một phi đội máy bay ném bom chiến lược H-6K với sự hộ tống của các máy bay tiêm kích hiện đại đã tiến hành một cuộc tấn công giả định nhằm vào nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ở khu vực eo biển Đài Loan. Trong khi đó, ngư dân Philippines cũng cho biết, lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển của Trung Quốc cũng đã xua đuổi họ khỏi một khu vực ngư trường truyền thống ở Biển Đông.

Năm 1996, Trung Quốc đã thông qua UNCLOS và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của UNCLOS. UNCLOS đã quy định các vùng biển của mỗi quốc gia theo các tiêu chí được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng những điều này không áp dụng cho họ. Trung Quốc đơn phương đòi yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông và biển Hoa Đông đều thuộc về họ dựa trên cái gọi là "quyền lịch sử".

Phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài quốc tế khẳng định rằng yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng: "Mỹ bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông vì chúng vượt quá các vùng biển mà Trung Quốc được phép yêu sách theo luật pháp quốc tế".

Màn dạo đầu cho các sự cố bạo lực hơn?

Ngay cả trước khi luật mới được ban hành, các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đã rất gay gắt và thậm chí đe dọa đến các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác.

Tháng 4/2020, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát gần một giàn khoan của Malaysia, làm gia tăng căng thẳng với chính phủ nước này. Cũng vào đầu tháng 4/2020 một tàu hải giám của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Vì thế, Luật Hải cảnh "có vấn đề" này sẽ không chỉ làm tăng nguy cơ leo thang với các quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, mà nó gần như chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng với Mỹ trong tương lai.

Từ nhiều năm nay, Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Người dân trong khu vực ngày càng lo ngại về việc quân sự hóa các đội tàu đánh cá và tuần duyên dân sự của Trung Quốc. Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc gần đây đã được đặt dưới sự kiểm soát của Hải quân Trung Quốc. Các nhà phân tích coi đây là một động thái đáng lo ngại vì cảnh sát biển trước đây được cho là lực lượng cảnh sát dân sự. Từ lâu, Bắc Kinh đã cử các chính ủy đi biển với đội tàu đánh cá khổng lồ của mình. Trong những thập niên gần đây, các hạm đội này cũng đã trải qua quá trình huấn luyện hợp tác hải quân.

Do đó, Luật Hải cảnh (mới) của Trung Quốc sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ đụng độ vũ trang trong khu vực.

Các chuyên gia luật quốc tế đã chỉ ra rằng Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc không sử dụng vũ lực được quy định tại Điều 2(4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc, cùng nhiều điều khoản của UNCLOS, cũng như một số án lệ về sử dụng vũ khí trong luật biển quốc tế.

Sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông được tiếp nối sau khi thông qua Luật Hải cảnh mới làm thế giới lo ngại.

"Một giai đoạn rất nguy hiểm…"

Chuyên gia từ Philippines Richard Heydarian cho biết sự xuất hiện của các tàu thuyền của Trung Quốc ở đây là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh tham vọng gây hấn, sau khi nước này công bố luật mới vào tháng trước cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài.

Ông phát biểu: "Chúng ta đang tiến tới một giai đoạn rất nguy hiểm trong chiến lược thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây thực sự là hành động 'thắt chặt dây thòng lọng" và có khả năng là màn dạo đầu cho các vụ đụng độ hoặc sự cố bạo lực hơn ở Biển Đông".

Thêm nữa, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cũng sẽ cản trở các cuộc đàm phán COC đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong khi đó, mục tiêu chính của tất cả các bên đàm phán là duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực tranh chấp. Do đó, ít nhất COC phải đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan không được đưa ra bất kỳ đe dọa sử dụng vũ lực nào đối với các quốc gia có tranh chấp khác. Việc Trung Quốc cho phép lực lượng cảnh sát biển nổ súng vào tàu nước ngoài trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền cho thấy Bắc Kinh không có thiện chí trong việc đàm phán COC.

Trong bối cảnh này, cần có phản ứng mạnh mẽ đối với luật mới của Trung Quốc từ các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và các quốc gia khác có lợi ích. Các nước nên phản đối mạnh mẽ thông qua một công hàm tới Bắc Kinh, khẳng định rằng luật pháp của Trung Quốc đang tạo ra nhiều mối đe dọa phi pháp và có nguy cơ làm leo thang căng thẳng trong khu vực tranh chấp. Họ có thể kêu gọi Trung Quốc nên sửa đổi hoặc chấm dứt sử dụng luật này.

Tất cả các quốc gia tranh chấp và các quốc gia quan tâm đến hòa bình và ổn định của Biển Đông cần phải đưa ra lời kêu gọi đối với Trung Quốc. Các nước cũng nên yêu cầu Trung Quốc đưa ra một định nghĩa chính xác về "vùng biển thuộc quyền tài phán" của mình.

Nếu các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của các quốc gia ASEAN thì các quốc gia này có thể sử dụng khởi kiện ra Tòa án quốc tế để khẳng định rõ quyền của cảnh sát biển Trung Quốc tới đâu theo luật quốc tế.

Th.S Hoàng Việt - Chuyên gia Biển Đông, Giảng viên Luật, Đại học Luật TP.HCM

Let's block ads! (Why?)


Xem Them Chi Tiet

Nhung Mon Do Cong Nghe Duoc Yeu Thich

Do Cong Nghe Phu Kien

0 nhận xét:

Đăng nhận xét