Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Bộ TT&TT yêu cầu phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm trên mạng internet

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nêu trong Chỉ thị 22 về tăng cường công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet. Bộ TT&TT nhận định, tình hình vi phạm pháp luật trên không gian mạng thời gian qua rất phức tạp. Vì vậy, cần có những biện pháp tăng cường quản lý, giám sát, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vi phạm, giảm thiểu hậu quả.

Tại Chỉ thị 22, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã yêu cầu toàn ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 14 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng, nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam và Đề án tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm mạng internet. Cụ thể, Bộ yêu cầu các đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo về dấu hiệu, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm. Từ đó, người dân có thể nhận biết, phòng tránh, nâng cao khả năng phân biệt thông tin chính thống. Khi chia sẻ, lưu trữ, sử dụng thông tin trên mạng internet, các cá nhân, tổ chức cần nắm rõ pháp luật để chủ động phòng tránh, không thực hiện hay tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

Về hình thức xử lý vi phạm trên không gian mạng, Bộ TT&TT yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự và pháp luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức phạt, hình phạt với các hành vi vi phạm trên mạng internet. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên trách cần đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, nền tảng chống tấn công mạng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới phòng chống tấn công mạng

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra chỉ đạo cụ thể với từng cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trong ngành TT&TT và các cơ quan báo chí – truyền thông.

Bộ TT&TT yêu cầu phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm trên mạng internet ảnh 1

Áp dụng công nghệ mới để phát hiện, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng. Ảnh minh họa.

Cụ thể, Cục An toàn thông tin được yêu cầu áp dụng công nghệ mới, tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh về thông tin sai phạm trên mạng internet; giám sát, điều phối, ứng cứu, khắc phục sự cố, phòng chống tấn công mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng quốc gia. Bộ giao Cục triển khai hệ thống cảnh báo, đánh giá tín nhiệm mạng, cổng kiểm soát quốc gia chặn lọc các truy cập thông tin sai phạm từ người dùng, hỗ trợ người dân báo cáo, phản ánh những trang web, mạng xã hội vi phạm pháp luật. Các công cụ, hệ thống đánh giá, kiểm định an toàn thông tin quốc gia cũng được đưa vào vận hành nhằm phục vụ tốt công tác kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin.

Bộ yêu cầu Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành áp dụng các biện pháp tăng cường khả năng phòng, chống tấn công, đột nhập trái phép của các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, internet để lấy cắp dữ liệu.

Các Sở TT&TT có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, thành phố, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc nâng cao trách nhiệm, phối hợp đồng bộ trong việc phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet. Sở cũng tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn xây dựng chương trình thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống tội phạm mạng. Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các Sở TT&TT tăng cường giám sát, thanh tra, nhằm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng Internet về thông tin và truyền thông, kịp thời ngăn chặn thông tin xấu độc, tấn công mạng và những vi phạm khác trên mạng.

Với các doanh nghiệp trong ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật bảo vệ an toàn các hệ thống thông tin, nhằm cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn cho người dùng. Các doanh nghiệp cần kiểm tra, rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ trong nội bộ doanh nghiệp, xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm phát hiện, cảnh báo, truy vết và ngăn chặn ngay khi có vi phạm xảy ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành TT&TT phải chủ động thực hiện, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xác minh, cung cấp thông tin người sử dụng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật quy định xử lý đối với tội phạm, vi phạm trên mạng internet. Các đơn vị có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân, truyền tải cụ thể các hình thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm để người dân nhận thức và phòng tránh.

Adblock test (Why?)


Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Năm lý do khiến bạn nên mua một chiếc AirPods Max
>> Tai nghe Galaxy Buds2 đang được chế tạo, thiết kế có nhiều nâng cấp
>> Loa 7.1 Là Gì? Hệ Thống Âm Thanh 7.1 Được Sắp Xếp Như Thế Nào?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét