LG đang hứng chịu làn sóng chỉ trích từ các nhà bán lẻ và tổ chức địa phương sau khi công bố kế hoạch kinh doanh iPhone tại chuỗi cửa hàng LG Best Shop.
Theo kế hoạch, kể từ ngày 1/8, các sản phẩm của Apple bao gồm iPhone, iPad và Apple Watch sẽ được bán tại mạng lưới 400 cửa hàng LG Best Shop ở Hàn Quốc.
Báo Korea Herald cho biết chính sách mới của LG sẽ phá vỡ cam kết trước đó nếu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Năm 2018, Ủy ban Đối tác Doanh nghiệp Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận phát triển chung với LG, trong đó gã khổng lồ Hàn Quốc cam kết đồng hành cùng các công ty nhỏ trong ngành.
Hiện LG đang tiến hành đóng cửa mảng sản xuất smartphone và dự kiến hoàn tất vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, nhằm tận dụng nguồn lực sẵn có và giúp tăng doanh thu, LG tuyên bố sẽ bán iPhone của Apple tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị gia dụng của mình.
Kế hoạch này sau đó đã vấp phải sự chỉ trích từ Hiệp hội Nhà phân phối Di động Hàn Quốc, một tổ chức đại diện cho quyền của các nhà bán lẻ điện thoại trong nước. Hiệp hội đã gửi thư đến Ủy ban Đối tác Doanh nghiệp Hàn Quốc, yêu cầu cơ quan này can thiệp.
Vào năm 2018, Samsung và LG đã đồng ý hạn chế bán điện thoại thuộc các thương hiệu lớn tại cửa hàng của mình nhằm để không cạnh tranh với các nhà phân phối điện thoại nhỏ hơn. Tuy nhiên, quy định cho phép thỏa thuận có thể thay đổi theo một số điều kiện nhất định trong các trường hợp khác nhau.
"Việc LG rút khỏi mảng kinh doanh thua lỗ là một sự thay đổi bất ngờ cần được xem xét. Hai bên sẽ phải phối hợp và đi đến một thỏa thuận chung về vấn đề này", một quan chức của ủy ban cho biết.
Apple được cho là đang muốn hợp tác với LG để thúc đẩy doanh số bán hàng tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Văn phòng Apple tại Hàn Quốc từ chối bình luận về vấn đề trên.
Sau khi LG tuyên bố đóng cửa mảng kinh doanh smartphone, Apple đã tung ra chương trình thu cũ đổi mới dành cho người dùng điện thoại LG. Đây được xem là một chiến lược khôn ngoan nhằm thu hút thị phần của LG tại Hàn Quốc. Nếu Hiêp hội và LG không đạt được thỏa thuận, Ủy ban sẽ can thiệp để khắc phục sự khác biệt trong lập trường đôi bên.
Samsung, đối thủ không đội trời chung của Apple cũng đang theo dõi sát sao vấn đề này để chuẩn bị các biện pháp nhằm giữ thị phần trên thị trường điện thoại thông minh trong nước.
Nguồn tin từ SamMobile cho biết Samsung đang tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với LG để smartphone Galaxy của hãng cũng được bán tại mạng lưới cửa hàng LG Best Shop. Song, Samsung không đích thân ra mặt mà để ba nhà mạng lớn của Hàn Quốc đứng ra đàm phán với LG.
Đây được xem là động thái bảo vệ thị phần smartphone 5G của Samsung trước Apple tại quê nhà Hàn Quốc. Doanh số bán của công ty có thể bị đe dọa nếu iPhone 5G được bán thông qua hệ thống bán lẻ của LG trên khắp Hàn Quốc. Mục tiêu của Samsung là nhằm hạn chế doanh số bán iPhone trong nước càng nhiều càng tốt. Vì vì thế, công ty tìm đến sự hợp tác với LG.
Các công ty viễn thông cho rằng động thái của Samsung chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay. Nhưng vì mối đe dọa của Apple, Samsung đã xuống nước đề nghị bắt tay cùng LG. Tuy nhiên, nhiều khả năng LG sẽ không đồng ý đề nghị này ngay cả khi có các nhà mạng lớn vào cuộc.
Hơn nữa, nếu smartphone Galaxy được bán ở LG Best Shop, mạng lưới bán lẻ riêng của Samsung là Digital Plaza cũng sẽ bị ảnh hưởng, bên cạnh mảng kinh doanh điện tử gia dụng, khi đây là nơi chiếm một phần ba doanh số bán smartphone của công ty tại Hàn Quốc.
Kể từ khi ra mắt dòng iPhone 12 hỗ trợ 5G, Apple đã chứng kiến mức tăng trưởng thị phần đáng kể trên toàn cầu. Dữ liệu từ Strategy Analytics cho thấy Apple dẫn đầu thị trường smartphone 5G với 29,8% thị phần trong quý đầu năm nay, trong khi Samsung chỉ đứng thứ tư với 12,5%, xếp sau cả hai đối thủ Trung Quốc là Oppo và Vivo lần lượt giữ vị trí thứ hai (15,8%) và ba (14,3%).
Một số báo cáo dự đoán Apple có thể chiếm hơn 30% thị trường điện thoại thông minh Hàn Quốc sau khi LG rút lui. Đối với thị trường nội địa, Samsung có thị phần cao nhất khi chiếm 65% vào năm 2020, tiếp theo là Apple với 20% và LG giữ 13%, theo Counterpoint Research.
Được biết, Ủy ban Đối tác Doanh nghiệp Hàn Quốc được thành lập năm 2010 và hiện là một tổ chức dựa trên sự đồng thuận riêng tư, tập trung vào việc tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch cho toàn thể các công ty lớn và nhỏ.
Ngọc Diệp (Theo Korea Herald)
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Năm lý do khiến bạn nên mua một chiếc AirPods Max
>> Tai nghe Galaxy Buds2 đang được chế tạo, thiết kế có nhiều nâng cấp
>> Loa 7.1 Là Gì? Hệ Thống Âm Thanh 7.1 Được Sắp Xếp Như Thế Nào?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét