Một loại virus động vật mới vừa được ghi nhận lây từ khỉ sang người ở Trung Quốc và khiến người đàn ông nhiễm nó tử vong. Cơ quan y tế nước này báo cáo nạn nhân là một bác sĩ thú y 53 tuổi sinh sống ở Bắc Kinh.
Virus được nhận định là Monkey B, trước đây thường chỉ lây nhiễm trên khỉ, nhưng đây là trường hợp đầu tiên nó nhảy qua con người và gây ra cái chết cho nạn nhân ở Trung Quốc.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, vị bác sĩ thú y này làm việc trong một viện nghiên cứu chuyên nhân giống linh trưởng. Ông ấy đã tiến hành mổ xác 2 con khỉ chết hồi tháng Ba.
Một tháng sau đó, vị bác sĩ có triệu chứng buồn nôn, nôn và sốt cao. Ông ấy tử vong vào ngày 27 tháng 5. Các mẫu máu và nước bọt của bệnh nhân được gửi tới phòng thí nghiệm để xét nghiệm vào tháng 4.
Tại đây, các kỹ thuật viên đã phân lập mầm bệnh và xác định đó là virus Monkey B. Cơ quan chức năng cho biết hai trong số các F1, những người tiếp xúc gần nhất với nạn nhân là một bác sĩ nam và một nữ y tá, đã xét nghiệm âm tính với virus.
Virus Monkey B là gì? Nó nguy hiểm đến đâu?
Virus Monkey B, hay virus herpes B, vốn là một chủng virus lây phổ biến trên khỉ macaque. Các sự kiện virus này nhảy sang và gây bệnh cho con người là cực kỳ hiếm. Nhưng một khi điều đó xảy ra, tỷ lệ virus gây tử vong cho nạn nhân là rất cao.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết các triệu chứng sớm của việc nhiễm virus Monkey B bao gồm sốt và ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu. Theo thời gian, người bị nhiễm virus có thể nổi mụn nước nhỏ ở vết thương, trong khi các triệu chứng khác bao gồm khó thở, buồn nôn và nôn, đau bụng, nấc cụt.
Kentaro Iwata, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe ở Tokyo cho biết virus Monkey B sau đó có xu hướng tấn công vào hệ thần kinh trung ương và gây viêm não, tủy sống dẫn đến mất ý thức. Nếu không được điều trị, khoảng 80% bệnh nhân sẽ tử vong.
Kể từ năm 1932 tới nay, chỉ có dưới 100 trường hợp nhiễm Monkey B trên người được báo cáo trên toàn thế giới. Đa số các ca bệnh này tập trung ở Bắc Mỹ, nơi các nhà khoa học tỏ ra cảnh giác và thường xuyên xét nghiệm để tìm kiếm chủng virus này.
Do đó, Iwata không ngoại trừ khả năng còn có những trường hợp nhiễm Monkey B không bị phát hiện. Nhưng ông và các chuyên gia dịch tễ khác nhận định, nhìn chung, Monkey B lây nhiễm sang người là một tình trạng cực kỳ hiếm gặp.
Những người có nguy cơ cao nhất và thường nhiễm Monkey B là bác sĩ thú y, nhà khoa học hoặc nhà nghiên cứu làm việc trực tiếp với động vật linh trưởng, những người có thể tiếp xúc với chất dịch cơ thể của chúng qua vết xước, vết cắn hoặc hoạt động mổ xẻ.
Năm 1997, một nhà nghiên cứu linh trưởng ở New York cũng đã chết sau khi bị một con khỉ trong lồng nhổ nước bọt vào mặt. Virus được cho là lây qua đường nước mắt của nhà khoa học này và gây ra cái chết sau 6 tuần.
Hiện tại không có bất kỳ một loại vắc-xin nào để phòng virus Monkey B. Thuốc kháng virus có thể giúp làm giảm nguy cơ tử vong nhưng không có tác dụng chữa bệnh.
Liệu Monkey B có khả năng gây ra một đại dịch mới?
Cơ quan y tế Trung Quốc cho biết việc phát hiện ra virus Monkey B ở người cho thấy nó có thể "gây ra mối đe dọa tiềm tàng khi lây từ động vật sang người". Họ nhấn mạnh cần phải "tăng cường giám sát khỉ trong phòng thí nghiệm và các công nhân lao động", những người thường xuyên tiếp xúc với chúng.
Nikolaus Osterrieder, trưởng khoa Thú y và Khoa học Đời sống tại Đại học Jockey Club, Hồng Kông cho biết Monkey B chia sẻ một điểm chung với virus SARS-CoV-2 ở chỗ nó là một chủng virus lây nhiễm động vật trước khi nhảy sang con người.
"Nhưng sự khác biệt cốt yếu ở đây là trong trường hợp của Monkey B, nó đang đi vào một ngõ cụt. Virus này chưa lây nhiễm được từ người sang người", Osterrieder nói. "Ngược lại, SARS-CoV-2 có khả năng lây lan giữa các vật chủ mới là chính chúng ta".
Ngoài ra, Osterrieder cho biết virus Monkey B thích nghi rất tốt với khỉ macaque, nghĩa là nó có vẻ đã "yên phận" ở trên loài động vật này. Nghiên cứu cho thấy virus Monkey B ít có khả năng đột biến để lây lan nhanh chóng giữa người với người.
Tuy nhiên, cả Osterrieder và Iwata đều nhấn mạnh rằng chúng ta phải cảnh giác. Những người tiếp xúc nhiều với khỉ, bao gồm bác sĩ thú y, các nhà khoa học, nhân viên sở thú nên thực hành các biện pháp an toàn phù hợp.
Khách tham quan sở thú, công viên hoặc khu bảo tồn khỉ cũng nên cẩn thận và giữ khoảng cách với loài động vật này.
Năm ngoái, các quan chức ở Florida đã phát hiện một quần thể khỉ trong khu du lịch mang virus Monkey B và đang nhân lên nhanh chóng. Tuần trước, các quan chức y tế ở hạt Dallas, Texas cũng báo cáo một trường hợp người đàn ông mắc bệnh đậu mùa trên khỉ hiếm gặp. Bệnh này cũng có thể lây truyền sang người qua các vết cắn hoặc cào của khỉ.
Các chuyên gia y tế cho biết nếu không may bị khỉ cắn hay tiếp xúc với chất dịch từ cơ thể chúng, bạn phải:
- Rửa và chà nhẹ vết thương bằng xà phòng hoặc i-ốt trong 15 phút
- Xối nước chảy lên vết thương hoặc khu vực tiếp xúc với dịch lỏng trong 15 đến 20 phút nữa
- Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức
Ngoài ra, nếu bạn không phải là nhà nghiên cứu hoặc bác sĩ thú y, hãy hạn chế việc tiếp xúc với tất cả các loài động vật hoang dã càng ít càng tốt.
"Bạn có thể muốn gần gũi với thiên nhiên, nhưng thiên nhiên không muốn gần gũi bạn", trích bình luận của một người dùng internet ở Trung Quốc về tin tức virus Monkey B mới. Bài đăng này trên Weibo hiện đã nhận được 110 triệu lượt xem.
Tham khảo Washingtonpost
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Năm lý do khiến bạn nên mua một chiếc AirPods Max
>> Tai nghe Galaxy Buds2 đang được chế tạo, thiết kế có nhiều nâng cấp
>> Loa 7.1 Là Gì? Hệ Thống Âm Thanh 7.1 Được Sắp Xếp Như Thế Nào?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét