Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Nếu công nghệ có tâm, người khiếm thị sẽ không bị Internet bỏ lại

Bạn có biết người mù sử dụng điện thoại di động như thế nào không?

Thông thường họ cầm điện thoại di động bằng một tay và giữ cách tai 6 hoặc 7 cm. Các ngón tay của tay còn lại lướt và ấn trên màn hình dưới sự giúp đỡ của âm thanh phát ra từ điện thoại.

Apple là công ty có chế độ khá nhân văn với người khuyết tật. Để giúp người khuyết tật tìm việc làm, Apple tuyển dụng và đào tạo những người khiếm thị làm trợ lý cửa hàng, và một số trợ lý cửa hàng còn mang theo chó dẫn đường riêng.

Liu Yu, quê ở Vũ Hán, là một thợ đấm bóp mù 34 tuổi. Đối với anh, việc trở thành trợ lý cho các cửa hàng Apple là một giấc mơ. Vì cha mẹ kết hôn theo kiểu họ hàng gần nên anh bị mù bẩm sinh. Năm 1998, khi 11 tuổi, anh tiếp xúc với hệ thống Windows 98 của người anh họ. Anh ấy dùng máy tính để nghe nhạc và "nghe" đĩa DVD. Kể từ đó, anh ấy đã yêu các sản phẩm kỹ thuật số.

Sau khi tốt nghiệp cấp 2, Liu Yu theo học một trường chuyên về xoa bóp và trở thành một nhà trị liệu massage. Liu Yu vẫn không từ bỏ sở thích kỹ thuật số của mình, anh đã thành lập nhóm trao đổi để dạy những người bạn khiếm thị sử dụng máy tính và trao đổi thông tin.

Năm ngoái là lúc Liu Yu gần với ước mơ của mình nhất. Khi ứng tuyển vào vị trí bán hàng của Apple Store tại Hàng Châu, anh đã có 5 cuộc phỏng vấn liên tiếp nhưng cuối cùng không may bị trượt vì vấn đề liên quan đến chương trình máy tính.

Nhiều người nghĩ rằng vì có nhiều khó khăn, thử thách hơn nên cuộc sống của nhóm khiếm thị có thể khó khăn hơn. Tuy nhiên, ước mơ và đam mê của họ có thể vượt ngoài tầm tưởng tượng của chúng ta. Trong những năm gần đây, các công ty công nghệ đang xây dựng các "kênh khiếm thị" Internet cho những người này. Họ được tham gia thử nghiệm sản phẩm của các công ty công nghệ. Hóa ra cuộc sống của người khiếm thị vẫn rất tuyệt vời.

Người khiếm thị cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh

"Khuôn mặt sát mép phải, sát mép trái, căn giữa và chụp ảnh".

Dưới sự nhắc nhở chính xác của giọng AI từ màn hình điện thoại, Liu Yu có thể chụp ảnh cho người khác. Trong các bức ảnh Liu Yu chụp, khuôn mặt của cô gái nằm ở trung tâm và bố cục rất cẩn thận.

Nếu công nghệ có tâm, người khiếm thị sẽ không bị Internet bỏ lại ảnh 1
Liu Yu chụp ảnh. Ảnh: Geek Park

Người mù có thể chụp ảnh bằng điện thoại di động nhờ sự chuyển đổi không rào cản của các sản phẩm Internet. Đơn giản nhất là làm cho mọi thứ trên màn hình được đọc ra. Người khiếm thị cực kỳ nhạy cảm với các giác quan khác ngoài thị giác. Họ sử dụng thính giác để đánh giá khoảng cách và sử dụng xúc giác và khứu giác để khám phá mọi thứ.

Người bình thường không thể hiểu được âm thanh từ màn hình. Hãy tưởng tượng bạn điều chỉnh tốc độ của một video lên 10 lần thì chỉ nghe thấy âm thanh kỳ quái. Người khiếm thị bình thường có thể nghe được tốc độ gấp 60 đến 70 lần, còn Liu Yu có thể nghe được tốc độ gấp 100 lần.

Đọc màn hình là công nghệ cấp thấp nhất để người khiếm thị thích ứng với công nghệ. Chỉ cần thêm một mã code vào phần mềm và người mù có thể sử dụng nó. Kể từ khi máy tính ra đời, sự thích ứng không có rào cản đã tồn tại. Tuy nhiên, Liu Yu, người đã tiếp xúc với Internet lâu năm cho biết, khi Internet và điện thoại thông minh mới được phổ biến, chúng càng thân thiện với người khiếm thị.

Liu Yu thậm chí còn thực hiện mua sắm trực tuyến vào năm 2003, không phải người khiếm thị nào cũng thực hiện được.

Miễn là bạn có thể sử dụng phần mềm đọc màn hình, đây chỉ là giai đoạn đầu tiên của quá trình thích ứng không có rào cản. Phần mềm được nâng cấp hết phiên bản này sang phiên bản khác ngày càng phong phú và phức tạp hơn.

Để cải thiện trải nghiệm của người dùng khiếm thị, nhiều ứng dụng được cập nhật và điều chỉnh liên tục, và Alipay là một trong những công ty Internet đầu tiên bắt đầu thực hiện sự thích ứng không có rào cản.

"Con đường tiếp xúc Internet cho người khiếm thị đã từng đứt đoạn"

Năm 2013, Weibo chính thức của Alipay nhận được một tin nhắn cá nhân đặc biệt, trong đó một người khiếm thị đưa ra nhiều ý kiến ​​về chức năng ví Alipay mới cập nhật. Từ tin nhắn riêng tư đó, giám đốc sản phẩm Alipay đã bắt đầu một cuộc trò chuyện dài với người dùng. Hơn 400 kỹ sư của Alipay đã xây dựng một bộ thông số kỹ thuật phát triển sản phẩm cho người dùng khiếm thị.

Điều này đã thúc đẩy Alipay thành lập một nhóm hỗ trợ, và đây cũng là bước khởi đầu trong việc xây dựng các con đường trên Internet dành cho người khiếm thị. Nhưng con đường đó đã từng bị phá vỡ.

Nếu công nghệ có tâm, người khiếm thị sẽ không bị Internet bỏ lại ảnh 2
Ảnh: Geek Park

Năm 2016, anh chàng khiếm thị Sun Tao và những người bạn của mình đã phát hiện ra rằng phiên bản Alipay nâng cấp đã chặn chức năng đọc màn hình bàn phím mật khẩu trên điện thoại di động. Sau đó, Sun Tao và những người bạn của anh đã công bố "Thư ngỏ gửi Alipay từ người khiếm thị" trên Internet nhằm "đả kích" Alipay.

Việc chặn tính năng này ban đầu dựa trên các cân nhắc về bảo mật. Các kỹ thuật viên của Alipay đã liên hệ với Sun Tao và hỏi cách cải thiện sản phẩm.

Kỹ sư Shan Gong nhận được "Thư ngỏ" từ bộ phận dịch vụ khách hàng. Sau khi đọc bức thư, Shan Gong nhận ra rằng anh đã phớt lờ nhu cầu của người khiếm thị. Các lập trình viên bắt đầu nghiên cứu nguyên tắc đọc màn hình điện thoại di động, trải mã code ra từng chút một và tìm thấy bộ mã chính ở cuối dự án, giống như một công tắc - khi nó được bật, nó hỗ trợ đọc và khi bị tắt, nó bị từ chối đọc.

Biện pháp nâng cấp trước đó đã tắt công tắc này, sau vài đêm, các kỹ sư đã nghĩ ra một phương pháp mới, họ thiết kế một bàn phím thanh toán mới có thể hỗ trợ đọc màn hình và đồng thời ngăn phần mềm lấy thêm thông tin từ điện thoại di động.

Sau khi giải quyết vấn đề này, các kỹ sư và người dùng khiếm thị đã thành lập một nhóm nhỏ và giữ giao tiếp trực tiếp giữa các kỹ sư và người dùng khiếm thị.

Bạn làm gì với một phút trong bóng tối?

Đến kĩ sư làm ra sản phẩm cho người khiếm thị đều cảm thấy rất khó sử dụng.

"Khi bật chế độ đọc màn hình, điện thoại di động giống như một cục gạch. Tôi đã nghĩ nó rất khó sử dụng và họ sẽ không muốn sử dụng nó, nhưng thực tế họ rất phụ thuộc vào Internet. Tôi có thể cố gắng để việc sử dụng cục gạch này diễn ra suôn sẻ hơn", Huanlu, giám đốc sản phẩm của Alipay cho biết.

Công việc của cô đòi hỏi phải tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với những người khiếm thị, đồng thời "đặt mình vào và tưởng tượng cuộc sống của người khiếm thị mọi lúc". Những lần tiếp xúc và tưởng tượng này đã mang lại cho cô nhiều trải nghiệm khác nhau.

Với tư cách là kỹ sư của nhóm nhận dạng kỹ thuật số của Alipay, Huanlu đã tham gia Ngày hội mở rộng khả năng tiếp cận Alipay vào ngày 22/6. Một người dùng khiếm thị đã để lại ấn tượng sâu sắc cho cô.

Anh ấy là một chàng trai lạc quan, anh ấy cũng đã trải qua tuổi trẻ bình thường trước khi mất thị lực như vào đại học, tìm việc và làm việc trong ngành kế toán tài chính. Chẳng bao lâu sau khi đi làm, căn bệnh bẩm sinh khiến anh giảm dần thị lực cho đến khi anh bị mù hoàn toàn.

Sau hai năm chán nản ở nhà, chàng trai quyết định trở lại xã hội để làm việc, và phát hiện ra rằng người mù chỉ có nghề đấm bóp, đã có lúc anh rất nản lòng. May mắn thay, sau khi được hưởng lợi từ chính sách giúp đỡ người mù tìm việc làm, anh đã nhận được một công việc liên quan đến kiểm toán tài chính và tìm lại được giá trị của mình.

"Anh ấy khác tôi như thế nào?" Huanlu thậm chí còn tự hỏi, "Tôi có thể làm gì nếu tôi bị mất thị lực?"

Để trải nghiệm thế giới của người mù một cách thực tế hơn, cô đã đến phòng trải nghiệm bóng tối. Trong một căn phòng rất tối, mọi người nhắm mắt đi về phía trước, và những cảnh tượng mô phỏng khác nhau như đường bằng phẳng và tàu thuyền lần lượt xuất hiện. "Tôi chỉ có thể khám phá bằng cách đưa tay ra và chạm vào. Tôi đã rất sợ trong quá trình này, và tôi sợ mình sẽ bị ngã".

Sau khi kết thúc, đèn bật sáng, thực ra đó chỉ là một quãng đường 10 giây, và mọi người đi trong bóng tối hơn một phút. "Nhưng tôi nghĩ tôi đã đi bộ ít nhất 5 phút. Cảm giác thật lâu".

Huanlu nhận ra rằng trải nghiệm đeo khăn bịt mắt có thể không bằng trải nghiệm thực sự của một người khiếm thị. "Bởi vì tôi biết tôi có thể tháo khăn bịt mắt ra bất cứ lúc nào. Bước đi trong thế giới tăm tối, tôi không thể bình tĩnh như vậy. Người khiếm thị cả đời không thể ra khỏi căn phòng này, cả đời phải cầu cứu".

Ngoài ra, người khiếm thị còn hoảng sợ về việc không thể nhận được phản hồi. "Người dùng bình thường mở một trang web, chờ đợi hoặc sảng khoái khi nhìn thấy kết nối thành công, nhưng đối với người dùng khiếm thị, họ không biết chuyện gì đã xảy ra, ngay cả khi chỉ mất 2 giây để tải xong, họ cũng sẽ hoảng sợ trong vài giây nữa. Vì vậy, sản phẩm tiếp theo của chúng tôi sẽ đưa ra những lời nhắc nhở và phản hồi kịp thời về từng chi tiết, đồng thời cố gắng loại bỏ những bất an do không biết và chờ đợi gây ra".

Huanlu vừa hoàn thành một sản phẩm thích ứng không có rào cản - mật khẩu "vuốt". Người dùng chỉ cần nhập trước một hình vẽ và vẽ hình tương ứng trên màn hình khi cần xác minh, điều này có thể ngăn mật khẩu kỹ thuật số trước đó bị đọc to, rò rỉ, quá trình nhập liệu chậm và các vấn đề khác.

Hiện tại, sản phẩm này đang được tung ra trên Alipay, và cô đang hồi hộp chờ đợi và hào hứng để những người dùng khiếm thị đánh giá sản phẩm của mình.

Bảo mật tài khoản cho người dùng khiếm thị luôn là một chủ đề nhạy cảm và khó.

"Chúng tôi đã từng trả tiền trong cửa hàng, khi làm rơi tiền trên sàn chúng tôi cũng không biết", vợ của Liu Yu, Sun Wen cho biết. "Alipay đã mang lại cho chúng tôi sự thuận tiện tuyệt vời trong việc sử dụng tiền, nhưng nếu mật khẩu thanh toán phải được đọc ra, chúng tôi sẽ phải đối mặt với những vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật".

Sun Wen, 37 tuổi, thị lực chỉ đạt 0,01, do yếu tố di truyền nên cô bị suy giảm thị lực bẩm sinh. Cô ấy cũng là một nhân viên đấm bóp và thuộc nhóm những người dùng phản ánh các vấn đề về khả năng tiếp cận với thiết bị công nghệ.

Với tư cách là một người dùng khiếm thị được mời, Sun Wen cũng tham gia thử nghiệm sản phẩm mới.

Nếu công nghệ có tâm, người khiếm thị sẽ không bị Internet bỏ lại ảnh 3
Người dùng khiếm thị trải nghiệm và đưa ra đề xuất

Sun Wen có 2 điện thoại di động và 5 tài khoản WeChat với tổng số 844 bạn bè. Trong những năm qua, cô đã không ngừng giúp đỡ những người khiếm thị "tìm ra sai sót" ở nhiều cơ sở khác nhau.

Những ngày đầu, cô đã phản ánh về vấn đề các cơ sở công cộng không có rào chắn. Sau đó, cô "tìm lỗi" cho công ty Internet.

Năm 2016, Sun Wen được cử tham gia một sự kiện trên Alipay. Trong tòa nhà Alipay, cô ngồi với các lập trình viên, lần lượt trả lời các câu hỏi của các lập trình viên và kể lại những bất tiện mà cô gặp phải trong quá trình sử dụng.

Trong một lần đến tòa nhà Alipay, cô gặp một kỹ sư và chủ động trả lời anh ta rằng người khiếm thị không được chọn chỗ khi mua vé tàu trên Alipay, và các nút chọn chỗ không được đọc trên màn hình. "Anh ấy đã lắng nghe rất cẩn thận, và sau đó (vấn đề) đã được giải quyết."

Cô gái vui vẻ và nhiệt tình này thích chụp ảnh, đi du lịch và mua sắm. Với thị lực 0,01, cô ấy đã chụp ảnh phong cảnh ở nhiều nơi khác nhau và đăng chúng trên Wechat và Tik Tok. Cô ấy đã rất cố gắng dùng thị lực yếu ớt của mình để có một cuộc sống đầy màu sắc và hình ảnh.

Nếu công nghệ có tâm, người khiếm thị sẽ không bị Internet bỏ lại ảnh 4
Những bức ảnh phong cảnh được chụp bởi Sun Wen

"Công nghệ khiến tôi cảm thấy bản thân giá trị hơn"

Hebi là nhân viên trực tổng đài trên đường dây dịch vụ khách hàng của Alipay. Cô nói về quan sát của mình, "Không giống như chúng tôi tưởng tượng, nhiều người dùng khiếm thị khá miễn cưỡng khi yêu cầu trợ giúp, họ càng hy vọng họ sẽ tự giải quyết được vấn đề và không muốn làm phiền người khác. Nếu họ gọi đến đường dây nóng chăm sóc khách hàng, hầu hết họ đã gặp phải khó khăn khó giải quyết".

Alipay có đường dây dịch vụ dành riêng cho các dịch vụ không rào cản, nếu người dùng khiếm thị gọi đến dịch vụ khách hàng, cuộc gọi sẽ tự động được chuyển đến đây và người dùng sẽ không biết. Hebi trở thành bạn với ông Wu, một vị khách khiếm thị đã gọi điện đến tổng đài.

Khi tôi nhận được cuộc gọi của ông Wu, đó đã là lần thứ 7. Ông ấy muốn lấy lại tài khoản của mình. Mỗi lần, ông ấy yêu cầu bộ phận chăm sóc khách hàng chỉnh sửa các bước thao tác thành một tin nhắn văn bản và gửi cho ông ấy, "Ông ấy không nói lý do, cũng không điều kiện cụ thể".

Sau đó, Hebi biết rằng ông Wu không thích được "giúp đỡ đặc biệt." Sau khi kết thúc kỳ nghỉ, cô vẫn nhớ liệu người dùng đã lấy lại tài khoản của mình hay chưa. Ngày đầu tiên trở lại nơi làm việc, cô đăng nhập vào trang, hệ thống hiển thị ông Wu vẫn chưa thực hiện quy trình lấy lại tài khoản.

"Tôi cũng nghĩ rằng tôi có thể làm phiền ông ấy, nhưng tôi vẫn gọi cho ông ấy sau khi tan sở." Hebi cố ý nói, "Ông Wu, tôi cần ông giúp đỡ, nếu ông muốn lấy lại tài khoản này, ông cần phối hợp chúng tôi một chút".

Sau đó, ông Wu hạ thấp cảnh giác. Ông ấy nói, "Tôi không thể nhìn thấy. Tôi thực sự làm phiền bạn rồi."

Tối hôm đó, vì ông Wu thường xuyên chạm nhầm vào nút gác máy, Hebi phải gọi lại cho ông Wu nhiều lần. Sau hai tiếng rưỡi, cuối cùng ông Wu cũng đăng nhập được vào tài khoản của mình. Sau đó, Hebi nhận được một lá thư cảm ơn do đích thân ông Wu viết, trong đó có câu "Xin hãy giúp đỡ những người khổ hạnh và tàn tật". Họ đã giữ liên lạc kể từ đó và trở thành bạn bè.

"Đôi khi nghĩ lại, nếu như chưa từng có công nghệ thích ứng không rào cản, người mù có lẽ đã trốn ở góc tường Internet, sẽ càng ngày càng cách ly với công chúng. Tưởng tượng thôi cũng khiến người ta sợ hãi. Công nghệ thời đại mới nên dừng lại và lôi kéo những người dùng thiệt thòi ở phía sau, xây dựng một con đường mới, giúp họ một tay và kéo họ đi theo".

Hebi cũng mong muốn dịch vụ khách hàng AI có thể giúp đỡ những nhóm này hơn nữa. "Họ có thể có được cảm giác tự lập và giá trị cao hơn. Tiến bộ tiếp theo trong công nghệ tương tác thông minh sẽ mang lại cho họ rất nhiều sự trợ giúp. Công nghệ sẽ giúp họ có cuộc sống bình đẳng và phong phú hơn mà không bị tụt lại phía sau".

Liu Yu, người chỉ còn một bước nữa là đến công việc mơ ước của mình, cảm thấy rằng mình vẫn chưa bị thời gian bỏ rơi.

Nếu công nghệ có tâm, người khiếm thị sẽ không bị Internet bỏ lại ảnh 5
Máy tính cho người khiếm thị. Ảnh: Vision China

"Khi tôi được mời phỏng vấn như này, các công ty Internet và các phương tiện truyền thông, họ đều muốn hiểu cách một người khiếm thị sử dụng Internet. Mọi người đều muốn tạo ra các sản phẩm không có rào cản tốt hơn. Từ góc độ này, tại sao tôi phải nghĩ 'Tôi đã bị đào thải chưa?' Ngược lại, trong thời đại trí tuệ nhân tạo, rất nhiều lần, tôi có thể tham gia và đưa ra một số đề xuất của riêng mình".

Theo Geek Park/Zhihu

Adblock test (Why?)


Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Năm lý do khiến bạn nên mua một chiếc AirPods Max
>> Tai nghe Galaxy Buds2 đang được chế tạo, thiết kế có nhiều nâng cấp
>> Loa 7.1 Là Gì? Hệ Thống Âm Thanh 7.1 Được Sắp Xếp Như Thế Nào?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét