Hàng năm cứ vào dịp tháng 2, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London ở Vương Quốc Anh lại mở một cuộc thi có tên là "Wildlife Photographer of the Year". Đúng như cái tên của nó, cuộc thi sẽ chọn ra những bức ảnh chụp thiên nhiên hoang dã đẹp nhất, nhằm giới thiệu sự đa dạng sinh học nhưng cũng hết sức mong manh của các loài động vật đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Cổng bình chọn sẽ được mở cho tới tháng 10 hàng năm, năm nay, cuộc thi đã đi được gần hết chặng đường với hơn 50.000 bức ảnh được gửi về từ các nhiếp ảnh gia ở 95 quốc gia trên thế giới.
Mặc dù kết quả vẫn chưa ngã ngũ, nhưng ban tổ chức đã chọn ra Top 10 hình ảnh dẫn đầu để giới thiệu trước công chúng. "Những bức ảnh phi thường này đã khơi gợi sự tò mò và kinh ngạc, chúng cho thấy sự sống trên Trái Đất đa dạng và phong phú đến thế nào", Doug Gurr, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên cho biết.
"Cuộc triển lãm năm nay sẽ kể câu chuyện về một hành tinh đang chịu nhiều áp lực. Nó soi rọi cho chúng ta thấy những thách thức cấp bách mà chúng ta đang phải đối mặt, nói cho chúng ta biết mình cần đoàn kết để làm những gì trước những thách thức ấy".
Hãy cùng chiêm ngưỡng và suy ngẫm về những gì ẩn sau 10 tấm ảnh tuyệt vời này.
1. Một con linh miêu Iberia hiếm hoi còn sống trên Trái Đất
Những con linh miêu sống trên bán đảo Iberia là những cá thể cuối cùng còn lại của giống loài này trên Trái Đất. Môi trường sống bị thu hẹp cùng với nạn săn trộm đã quét sạch loài linh miêu khỏi Bồ Đào Nha.
Đến năm 2002, thống kê cho thấy chỉ còn dưới 100 cá thể linh miêu Iberia còn sống ở Tây Ban Nha, biến chúng trở thành một trong số những loài động vật hiếm hoi nhất xuất hiện được dưới ống kính máy ảnh của con người.
Sergio Marijuán, một nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha, đã phải đặt máy ảnh hàng tháng trời trong một khu đồng cỏ khô bỏ hoang giữa vùng núi Sierra Morena để chụp được bức ảnh này. Trong đó, một chú linh miêu con đang đĩnh đạc đứng bên ngoài một ngưỡng cửa, hai chân sau dang ra và nhìn thẳng vào vật thể lạ lẫm
Bức ảnh này hiện đang dẫn đầu cổng bình chọn của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, và có thể sẽ là quán quân trong cuộc thi Nhiếp ảnh Động vật Hoang dã năm 2021 này.
2. Những con báo cheetah vật lộn giữa thiên nhiên nổi giận
Bức ảnh này được chụp từ tháng 1 năm 2020. Nó ghi lại khoảnh khắc những con báo cheetah đực cố gắng vượt qua dòng nước đục ngầu của sông Talek thuộc Kenya để tới được vùng đồng cỏ mới, nơi chúng có thể sẽ tìm thấy nhiều thức ăn hơn.
Nhiếp ảnh gia Aspirin de Soyza đã nhìn thấy đàn báo khi anh đi dọc theo bờ sông đối diện. Soyza đã theo dõi chúng hàng giờ, những con báo đã hết sức do dự trước dòng nước chảy siết và cái bụng đang đói của chúng.
"Con báo cheetah đầu đàn đã từng chọn vài khúc sông để lội xuống vài lần nhưng lại phải quay đầu lại", Soyza nói. Ngay cả ở những vùng nước lặng hơn chúng cũng có vẻ sợ sệt, bởi bên dưới lòng sông Talek là vương quốc của những con cá sấu.
Cuối cùng, đàn báo đã chọn một khúc sông giao với suối, nơi dòng nước lũ chảy siết từ trận mưa lớn bất thường trước đó để đi ngang qua. Ban đầu, Soyza lo sợ những con báo sẽ không sống sót cho tới lúc qua được dòng sông nổi giận. Nhưng cuối cùng cả 5 con đều đã vượt qua được. Thật tiếc là ống kính của Soyza chỉ bắt được 4 con trong khoảnh khắc hồi hộp này.
3. Con tắc kè này đang chiến đấu để giành giật lại sự sống
Bức ảnh này là một cú nháy máy tình cờ của nhiếp ảnh gia Wei Fu khi anh tới thăm một công viên ở Bangkok, Thái Lan. Dự định ban đầu của Fu là chụp ảnh những chú chim ở đây. Nhưng khi đang quan sát chúng thì anh nghe thấy lũ chim kêu náo loạn, một hành vi báo hiệu sự xuất hiện của một kẻ săn mồi đang tới.
Để ý một lúc sau những tán cây, Fu phát hiện hóa ra có một con rắn cây đang trườn xuống từ một cành cao. Nhưng mục tiêu của nó không phải lũ chim, mà là một con tắc kè đốm đỏ.
Không đợi con tắc kè kịp chuẩn bị, con rắn đã lao mình vào nó, cắn một nhát cắn chí tử bơm theo nọc độc vào máu con vật xấu số. Nhưng con tắc kè sau khoảnh khắc hoảng hốt đã phản công lại. Nó kẹp bộ hàm mạnh mẽ của mình vào ngay giữa đầu con rắn.
Fu đã nháy máy liên tục trong vài phút quan sát cuộc vật lộn. Con rắn với cái đầu bị khóa chặt nhưng vẫn còn một thứ vũ khí đáng sợ: thân mình. Nó tìm kiếm con tắc kè, siết chặt con mồi bằng những cơ bắp khỏe mạnh như muốn vắt kiệt sự sống bên trong nó.
Cuối cùng, con tắc kè cũng phải đầu hàng và trở thành bữa ăn cho con rắn. Nó mở to miệng, từ từ nuốt chửng con tắc kè một cách chậm chạp. Trong số tất cả những bức ảnh đó, Fu đã chọn khoảnh khắc giằng xé nhất trong cuộc chiến này để gửi về Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London.
4. Bài học đầu đời của diều hâu đuôi trắng
Bức ảnh tiếp theo là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Jack Zhi khi anh thực hiện một cú bấm máy lên bầu trời California – ngôi nhà của một cặp diều hâu đuôi trắng.
Zhi cho biết anh đã quan sát hai con diều hâu này đủ lâu để nhận ra chúng là một cặp cha con. Bởi con diều hâu con còn quá trẻ để có thể tự đi săn, diều hâu cha đã bắt một con chuột về cho nó.
Nhưng để có được bữa ăn này cũng không phải đơn giản. Con diều hâu cha đã lượn vòng với con chuột trên chân và bắt diều hâu con phải cố gắng chụp được nó. Đây là một bài luyện tập kỹ năng đi săn và việc bắt thả trên không cũng là một phần trong vũ điệu tán tỉnh của diều hâu đuôi trắng.
Trong tương lai, khi chú diều hâu con này lớn lên, nó cũng sẽ phải bắt một con mồi và trao cho bạn tình của mình nếu muốn được giao phối.
5. Bữa ăn đẫm máu của một con sư tử
Cũng là một bữa ăn, nhưng đây là một con sư tử cái ở Vườn quốc gia Serengeti thuộc Tanzania. Nhiếp ảnh gia Lara Jackson đã chộp được khoảnh khắc con sư tử ngẩng mặt lên khi đang sâu xé thịt một con linh dương đầu bò.
Dòng máu nóng hổi của con linh dương chảy ra từ mõm con sư tử. Trong khi một chân của nó vẫn đè lên con linh dương đang vùng vẫy. Tại khoảnh khắc con sư tử nhìn thẳng vào ống kinh như một kẻ sát thủ, Jackson đã bấm máy để có được tấm hình này.
6. Gia đình vẹt đuôi dài: Bức ảnh được chụp bởi một "nhiếp ảnh gia" mới 10 tuổi
Nếu không giới thiệu thì ít ai biết Gagana Mendis Wickramasinghe, tác giả của tấm ảnh này chỉ là một cậu bé mới 10 tuổi. Trong khoảng thời gian bị mắc kẹt ở nhà khi Sri Lanka rơi vào tình trạng phong tỏa, Gagana đã dành hàng ngày ngồi trên ban công phòng ngủ của bố mẹ để ngắm nhìn một cặp vẹt đuôi dài đang nuôi những đứa con của chúng.
Cha mẹ cậu bé đã nhặt một khúc thân cọ và để lên ban công nhà mình nhằm thu hút những con chim đến làm tổ. Một cặp vẹt đã may mắn trở thành vị khách của nhà Gagana. Chúng đến đây, đẻ trứng và xây dựng một gia đình ấm áp cho mình.
Chính gia đình vẹt này đã giúp Gagana vượt qua những ngày cách ly tẻ nhạt ở nhà, khi thành phố cậu đang sống chìm trong dịch bệnh COVID.
7. Một con cáo đỏ đang tìm kiếm cá hồi chết sau bão
Ở bang Alaska của Mỹ có một hòn đảo tên là Kodiak. Trên hòn đảo này lại có một cái hồ tên là Karluk. Trong cái hồ này lại có một hòn đảo nữa. Nó là ngôi nhà của hai con cáo đỏ.
Bức ảnh được nhiếp ảnh gia Jonny Armstrong chụp lại sau một cơn bão. Con cáo cái đang tìm những con cá hồi mắt to bị sóng đánh dạt và chết trên vùng nước cạn. Nhiếp ảnh gia của chúng ta đã phải phục sát mép nước để thu được ánh mắt của cô cáo cái này.
Trước đó, anh cũng đã theo dõi cặp cáo trong nhiều ngày và ghi lại được cảnh chúng vồ chim, ăn quả mọng và thậm chí cắn vào gót của một con gấu nâu con.
8. Tôm kỳ lân biển có thể giao tiếp với nhau qua râu của chúng
Khi Laurent Ballesta đi lặn ở ngoài khơi bờ biển Địa Trung Hải thuộc Pháp, anh đã không quên mang theo một chiếc máy ảnh chuyên dụng. Tình cờ trong chuyến đi, anh bắt gặp một cảnh tượng kỳ lạ.
Hàng ngàn con tôm kỳ lân biển đang lắc lư phía trên một rạn san hô ở độ sâu hơn 70 mét. Những chiếc râu dài và nhăn nheo của chúng chạm vào nhau. Những con tôm dường như đang nói chuyện. Những cái chạm râu của tôm kỳ lân trước đây cũng được biết đến như một hành vi xã hội. Trong mùa giao phối, tôm cũng sẽ chạm râu để tìm kiếm những người bạn tình cho mình.
9. Một con dơi mồ côi đáng thương
Con dơi này mới chỉ được 3 tuần tuổi khi ai đó tìm thấy nó rớt trên mặt đất ở ngoại ô thành phố Melbourne, Australia. Người ta đã đem nó về một trạm trú ẩn dành cho động vật hoang dã, nơi con dơi được chăm sóc bởi những nhân viên ở đây.
Họ cho nó uống sữa công thức và may cho nó một cái tổ mô phỏng cách dơi mẹ cuộn lấy con của mình. Sau vài tháng, con dơi đã đủ lớn để cai sữa và chuyển sang ăn quả. Nó được thả về một đàn dơi hoang dã ở gần đó.
Bức ảnh này được nhiếp ảnh gia Douglas Gimesy chụp lại để làm kỷ niệm cho "đứa trẻ" đã lớn lên ở trạm trú ẩn động vật. Ra phía bên ngoài kia, con dơi sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách sinh tồn. Một trong số đó là thời tiết khắc nghiệt ở miền đông Australia, nạn phá rừng và những đường điện, thép gai mà con người đã giăng lên.
10. Biến đổi khí hậu đe dọa loài bướm Apollo
Trong một kỳ nghỉ hè ở Công viên Tự nhiên Haut-Jura dọc theo biên giới Pháp và Thụy Sĩ, nhiếp ảnh gia Emelin Dupieux đã bắt gặp những đồng cỏ trên núi đầy hoa và bướm. Ông đang cố gắng tìm những cá thể bướm Apollo, một loài có mặt trong sách đỏ của Châu Âu đang bị đe dọa tuyệt chủng vì môi trường sống của chúng đang ngày một ấm lên.
Để có thể đối phó với biến đổi khí hậu, những con bướm nhạy cảm này tường phải chuyển nhà lên ngày một cao, với hi vọng nền nhiệt trên cao sẽ đủ lạnh cho chúng phát triển.
Dupieux cho biết chụp ảnh bướm là một thử thách khó. Ông phải theo sát chúng, thiết lập các góc máy và thông số hợp lý để bắt được khoảnh khắc tĩnh lặng này. Phía bên ngoài, gió núi đang lay động những khóm hoa rất dữ dội, nhưng trong hình, con bướm dường như chỉ đang xòe đôi cánh của nó và đậu rất yên bình trên một đóa hoa cúc.
Tham khảo Businessinsider
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Năm lý do khiến bạn nên mua một chiếc AirPods Max
>> Tai nghe Galaxy Buds2 đang được chế tạo, thiết kế có nhiều nâng cấp
>> Loa 7.1 Là Gì? Hệ Thống Âm Thanh 7.1 Được Sắp Xếp Như Thế Nào?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét