Doanh nghiệp tham gia cứu trợ trong Covid-19 dưới sự giám sát của chính quyền đã góp phần kích thích địa phương quan tâm hơn đến nhóm đối tượng yếu thế chưa được hưởng chính sách.
Chiều 18/8, một hàng dài khoảng vài chục người ở hẻm 162 Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận) đứng xếp hàng chờ nhận gói nhu yếu phẩm do các doanh nghiệp ngành thông tin truyền thông trao tặng. Những người xếp hàng có sinh viên, công nhân, người ở trọ, người già neo đơn…
Chị Nguyễn Ngọc Hân, một người phụ việc ở chợ đang phải nghỉ ở nhà do chợ đóng cửa, nhận gói quà và bùi ngùi cảm ơn. Ngày thường, một mình chị phải đi làm nuôi bà và các em, cuộc sống vất vả. Khi dịch ập đến, cả nhà càng khó khăn hơn. Hôm đó là lần đầu tiên chị nhận được quà từ mạnh thường quân.
Người dân nhận quà hỗ trợ từ chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương. (Ảnh: Hải Đăng) |
Gói hỗ trợ trị giá 160 tỷ đồng của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa kết thúc, mang được 533 ngàn túi thực phẩm thiết yếu đến những người dân gặp khó khăn nhưng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của TP.HCM. Chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” dự định kéo dài gần một tháng, nhưng do sự cần kíp của người dân, Bộ TT&TT đã nhanh chóng cấp phát hơn nửa triệu phần quà chỉ trong vòng một tuần.
Chương trình này được triển khai ngày 17/9, đúng một ngày sau công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc... Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch”.
Chương trình này do các doanh nghiệp đóng góp thực phẩm, và chính các doanh nghiệp đi cấp phát. Một số doanh nghiệp tham gia chương trình, như VN Post, cho biết cán bộ nhân viên đã thức đêm, ráo riết tìm nguồn hàng và đóng gói trong bối cảnh hàng hoá khan hiếm và giao thông không thuận lợi, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và tiến độ của chương trình. Kết quả, nửa triệu phần quà đã đến tay người cần trong vòng một tuần.
Sự tham gia kịp thời, trên quy mô rộng của doanh nghiệp như trên có thể giúp các nhà quản lý nhìn nhận lại công tác cứu trợ: Vẫn còn rất nhiều người yếu thế chưa được hưởng chính sách. Điều này góp phần kích thích chính quyền quan tâm hơn đến những nhóm người yếu thế chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Sự triển khai thần tốc từ các doanh nghiệp cũng là mẫu hình để địa phương nhanh chóng bỏ bớt thủ tục, nhằm nhanh chóng cứu người cần cứu.
Thông qua Mặt trận tổ quốc từng địa bàn, gói hỗ trợ của các doanh nghiệp thông tin viễn thông nhắm đến những người chưa tiếp nhận được nguồn hỗ trợ từ thành phố. Họ là lao động tự do, bán hàng rong, thu gom rác, bốc vác, vận chuyển bằng xe ba gác, bán vé số; người lao động làm thuê thời vụ tại cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch và một số lĩnh vực phải tạm ngừng hoạt động…
Tại thời điểm 533 ngàn phần quà của Bộ TT&TT triển khai, TP.HCM đã hỗ trợ nhóm hộ nghèo, cận nghèo, các gia đình khó khăn, lao động tự do... theo Nghị quyết số 09 của HĐND thành phố với gói hỗ trợ 886 tỷ đồng và Nghị quyết 68 của Chính phủ với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Tuy vậy, số lượng người gặp khó khăn do Covid-19 chưa được hỗ trợ vẫn còn nhiều.
Chẳng hạn, ngày 18/8, 10.000 gói quà của ngành TT&TT được phân bổ cho Quận Phú Nhuận, tuy nhiên, bà Đặng Thị Lý, Phó Chủ tịch UB MTTQ Quận Phú Nhuận cho biết đang vận động thêm gần gấp đôi số quà này mới đủ hỗ trợ người dân. Điều này cho thấy nhóm người gặp khó khăn do đại dịch là rất lớn. Trước thực tế này, thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 nhưng không thuộc diện cứu trợ của nhà nước.
TP.HCM điều chỉnh hai chính sách quan trọng trong việc hỗ trợ người khó khăn do Covid-19
Từ tháng 8, thành phố đã thực hiện hai chính sách quan trọng trong việc hỗ trợ an sinh. Thứ nhất, mở rộng đối tượng thụ hưởng các gói cứu trợ. Thứ hai, huy động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân”.
Cụ thể, tính tới ngày 19/8, TP.HCM đã thực hiện hai đợt hỗ trợ người dân gặp khó khăn trên địa bàn thành phố, với hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và vận động. Trong đợt hỗ trợ thứ hai, lực lượng chức năng đi đến từng hộ, từng nhà trọ trao tiền trực tiếp cho người nghèo, không phân biệt có hộ khẩu hay không có hộ khẩu thành phố.
Đến ngày 25/8, thành phố ban hành văn bản 2876, một quyết định quan trọng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch. Trong đó, điều chỉnh tên gọi cụm từ "hộ lao động nghèo" thành "hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".
Từ việc chỉ nhắm đến hộ nghèo, cận nghèo như trước, thành phố đã mở rộng hỗ trợ sang nhiều ngành nghề khác có ảnh hưởng bởi Covid-19. Ví dụ, một công nhân bình thường làm lương 5 - 6 triệu đồng nhưng hiện nay mất việc, hay một người mở tiệm sửa xe do dịch không sửa được nữa, hoặc người có căn hộ cho thuê nhưng do dịch không ai thuê, không có thu nhập thì được tính là lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Theo cách tính này, thành phố có 3-4 triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Mỗi hộ thuộc diện này sẽ được nhận 1,5 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố, phấn đấu hoàn thành trao trước 30/8. Thành phố cũng chuẩn bị 2 triệu gói an sinh trị giá 300.000 đồng, ai đã nhận gói an sinh thì nhận thêm 1,2 triệu đồng; ai chưa nhận gói an sinh thì hưởng 1,5 triệu đồng.
Người dân phường 2, Phú Nhuận đang xếp hàng chờ nhận cứu trợ. (Ảnh: Hải Đăng) |
Để chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ người dân và lực lượng y tế trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, thành phố đã thực hiện chiến lược quan trọng thứ hai trong tháng 8. Cụ thể, ngày 15/8, thành phố kêu gọi phong trào phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi khi đó kêu gọi toàn thể nhân dân thành phố cùng siết chặt tay, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn để chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Đồng thời, Phó Bí thư đã phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân”, thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong nhân dân.
Trung tâm được thành lập sẽ tiếp nhận các nguồn tài trợ hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, phối hợp nắm bắt khó khăn và nhu cầu cần được hỗ trợ của người dân nghèo, khó khăn, bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh Covid-19; đảm bảo các đối tượng khó khăn đều được cung ứng hàng hóa kịp thời, giúp ổn định đời sống trong thời gian thành phố thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.
Tại sự kiện thành lập, trung tâm đã nhận được tiền và quà tặng thiết yếu từ các doanh nghiệp với tổng trị giá gần 200 tỷ đồng.
Hai điều chỉnh quan trọng nói trên giúp thành phố có thêm nguồn lực từ nhân dân, không bỏ sót đối tượng khó khăn; tiếp tục thực hiện an dân, không để ai bị đói trong bối cảnh lệnh giãn cách kéo dài trong thời gian tới.
Hải Đăng
Khi chính quyền kịp thời giải đáp thắc mắc cho người dân trong mùa dịch Covid-19
Những thắc mắc sát sườn của người dân trong mùa dịch Covid-19 đã được chính quyền TP.HCM trả lời một cách trực tiếp đầy kịp thời, thông qua chương trình livestream: “Dân hỏi - Thành phố trả lời”.
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Năm lý do khiến bạn nên mua một chiếc AirPods Max
>> Tai nghe Galaxy Buds2 đang được chế tạo, thiết kế có nhiều nâng cấp
>> Loa 7.1 Là Gì? Hệ Thống Âm Thanh 7.1 Được Sắp Xếp Như Thế Nào?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét