Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Vì sao chỉ vài năm đã có vaccine COVID-19, nhưng 4 thập kỷ vẫn chưa có vaccine HIV?

Năm 1984, một số nhà khoa học từng dự báo sẽ có vaccine HIV/AIDS trong hai năm nữa. Đã 37 năm trôi qua, điều đó vẫn chưa thành hiện thực.

Bệnh đậu mùa đã bị xoá sổ khỏi Trái đất sau một chiến dịch vaccine hiệu quả cao trên toàn cầu. Bệnh bại liệt cũng không còn là vấn đề tại Mỹ nhờ các loại vaccine chống siêu vi khuẩn bại liệt. Hiện nay, hàng triệu sinh mạng đã và đang được cứu nhờ sự phát triển nhanh chóng của các loại vaccine chống COVID-19. Ấy thế nhưng, đã 37 năm trôi qua kể từ khi HIV được phát hiện là nguyên nhân gây ra AIDS, và vẫn chưa có loại vaccine nào dành cho nó cả. Tại sao việc phát triển ra một loại vaccine hiệu quả chống HIV/AIDS lại khó khăn đến vậy?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ được nghe ý kiến của giáo sư Ronald C. Desrosiers, chuyên ngành bệnh lý học tại trường Y Miller thuộc Đại học Miami (Mỹ). Phòng thí nghiệm của giáo sư Desrosiers là nơi phát hiện ra SIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở khỉ) - loại virus lây trên khỉ, có họ hàng gần với virus gây ra AIDS ở người là HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người). Nghiên cứu của giáo sư đã đóng góp một phần quan trọng vào việc hiểu được cơ chế gây bệnh của HIV.

Những nỗ lực phát triển vaccine HIV không đạt được thành công

Vaccine, không thể bàn cãi, là vũ khí tiềm năng nhất của xã hội giúp chống lại các căn bệnh lây nhiễm do virus. Khi AIDS bùng nổ vào đầu những năm 1980, và virus gây ra bệnh này được phát hiện vào năm 1983-1984, ai cũng nghĩ rằng cộng đồng các nhà nghiên cứu sẽ sớm phát triển được một vaccine chống lại virus này.

Tại một cuộc họp báo nổi tiếng vào năm 1984 nhằm công bố HIV là nguyên nhân gây ra AIDS, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ lúc bấy giờ - Margaret Heckler - đã dự báo rằng sẽ có vaccine trong 2 năm tới. Đã 37 năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa thấy vaccine HIV nào. Quá trình nghiên cứu và phân phối thần tốc vaccine COVID-19 đã khiến không ít người thắc mắc về sự thiếu vắng vaccine HIV. Vấn đề ở đây không phải do chính quyền. Vấn đề không phải do thiếu nguồn vốn. Khó khăn nằm ở chính virus HIV. Cụ thể là sự đa dạng của các chủng HIV và những chiến thuật nhằm xâm chiếm hệ miễn dịch của loại virus này.

Cho đến nay, đã có 5 đợt thử nghiệm quy mô lớn về tính hiệu quả của vaccine HIV giai đoạn 3, mỗi đợt tiêu tốn hơn 100 triệu USD. Ba đợt đầu tiên đã thất bại thảm hại, khi mà vaccine không thể bảo vệ trước quá trình lây nhiễm HIV, không giảm được lượng virus trong cơ thể người đã nhiễm. Trong đợt thứ ba - thử nghiệm STEP - tần suất nhiễm HIV trên các cá nhân được tiêm vaccine bỗng tăng cao đáng kể.

Đợt thứ tư - thử nghiệm Thai RV144 gây tranh cãi - ban đầu được cho là đạt được thành công nhưng không đáng kể trong việc bảo vệ những người được tiêm vaccine. Tuy nhiên, một phân tích thống kê sau đó cho biết cơ hội bảo vệ chống lây nhiễm thực ra chưa đến 78%.

Đợt thứ năm - thử nghiệm HVTN 702 - được thực hiện nhằm xác nhận và mở rộng những kết quả đạt được của thử nghiệm RV144. Tuy nhiên, thử nghiệm HVTN702 sau đó đã bị hoãn bởi nó hoàn toàn vô dụng. Không bảo vệ chống lây nhiễm. Không giảm được lượng virus.

Sự phức tạp của HIV

Rốt cuộc thì vấn đề là gì? Những đặc tính sinh học trong quá trình tiến hoá của HIV khiến việc phát triển thành công một loại vaccine là rất rất khó khăn.

Đầu tiên và trước nhất là con virus này nhân bản liên tục không ngừng nghỉ. Một khi HIV đã đi vào cơ thể, nó như bước vào "thiên đường" vậy. Nhiều vaccine không bảo vệ hoàn toàn trước lây nhiễm, nhưng chúng có thể hạn chế đáng kể sự nhân bản của virus và bất kỳ căn bệnh nào mà virus mang đến. Để một vaccine hiệu quả trước HIV, nó sẽ phải tạo ra một rào chắn diệt trùng hoàn hảo chứ không chỉ hạn chế sự nhân bản của virus.

HIV đã tiến hoá để có khả năng tái tạo và chống chịu nhiều đột biến trong mã gene của nó. Hệ quả của điều này là sự xuất hiện của hàng loạt biến thể trong các chủng virus, không chỉ từ cá nhân này sang cá nhân khác, mà thậm chí ngay bên trong một cá nhân riêng lẻ.

Lấy cúm để so sánh. Mọi người đều biết chúng ta cần tiêm mũi vaccine nhắc lại đối với cúm sau mỗi mùa, bởi khả năng biến đổi qua từng mùa trong chủng cúm đang lưu thông. Nhưng khả năng biến đổi của HIV trong cơ thể một cá nhân đã bị nhiễm thậm chí vượt qua khả năng biến đổi của virus cúm trên toàn thế giới trong suốt một mùa.

Chúng ta sẽ phải cho thứ gì vào vaccine để nó có thể đối đầu với sự biến hoá kinh hoàng này?

HIV còn có khả năng che chắn chính nó khỏi sự phát hiện của các kháng thể. Những loại virus có vỏ bọc như virus corona và virus mụn giộp có một cấu trúc trên bề mặt dùng để tìm đường xâm nhập vào tế bào. Cấu trúc này gọi là một "glycoprotein", có nghĩa là nó được cấu thành từ cả đường và protein. Nhưng glycoprotein vỏ bọc của HIV lại cực kỳ khác biệt.

Cấu trúc này có nồng độ đường cao nhất trong tất cả các virus thuộc 22 họ khác nhau. Hơn một nửa khối lượng của virus này là đường. Và nó đã tìm ra một cách, có nghĩa là nó đã tiến hoá thông qua chọn lọc tự nhiên để sử dụng số đường kia làm lá chắn bảo vệ khỏi bị nhận diện bởi các kháng thể. Tế bào vật chủ sẽ đưa lượng đường đó vào bên trong và xem chúng như là chính mình.

Những đặc tính đó dẫn đến những hệ quả quan trọng đối với nỗ lực phát triển vaccine. Các kháng thể mà người bị nhiễm HIV tạo ra thường chỉ thực hiện những hoạt động trung hoà virus với hiệu quả rất yếu. Hơn nữa, những kháng thể này thường tập trung vào một chủng cụ thể; chúng sẽ trung hoà chủng mà cá nhân đó bị lây nhiễm, không phải hàng ngàn chủng khác đang lưu thông trong cộng đồng dân cư. Các nhà nghiên cứu biết cách tìm ra những kháng thể có khả năng trung hoà một chủng virus, không phải loại có khả năng bảo vệ trước hàng ngàn chủng đang lưu thông trong cộng đồng. Đó là một vấn đề lớn đối với nỗ lực phát triển vaccine.

HIV liên tục tiến hoá trong cơ thể cá nhân bị lây nhiễm để đón đầu những phản ứng miễn dịch. Cơ thể vật chủ sẽ tạo ra một phản ứng miễn dịch cụ thể nhằm tấn công virus. Điều này gây ra áp lực nhất định lên virus, và thông qua chọn lọc tự nhiên, một biến thể virus đột biến sẽ xuất hiện, không thể bị nhận diện bởi hệ miễn dịch của cá nhân đó. Kết quả là virus sẽ có thể liên tục nhân bản không ngừng nghỉ.

Vậy phải chăng các nhà nghiên cứu nên từ bỏ? Chắc chắn là không. Một hướng tiếp cận mà các nhà nghiên cứu đang thử trên các mẫu động vật trong nhiều phòng thí nghiệm là sử dụng virus mụn giộp làm vật chủ trung gian để truyền protein cho virus AIDS. Họ virus mụn giộp thuộc nhóm "bền vững", có nghĩa là một khi bị lây nhiễm virus mụn giộp, bạn sẽ bị nhiễm suốt đời. Và các phản ứng miễn dịch sẽ tồn tại mãi mãi, không phải như trí nhớ, mà liên tục hoạt động. Tuy nhiên, hướng tiếp cận này có thành công hay không còn phụ thuộc vào việc làm sao để khám phá ra hàng loạt những phản ứng miễn dịch có khả năng đối đầu với một lượng lớn những biến thể HIV phức tạp đang lưu thông trong cộng đồng.

Một hướng tiếp cận khác là theo đuổi khả năng miễn dịch bảo vệ từ một góc nhìn khác. Dù đại đa số người bị nhiễm HIV tạo ra những kháng thể với hoạt trung hoà virus yếu, chỉ áp dụng với một chủng cụ thể, một số hiếm hoi người bệnh thực sự tạo ra được những kháng thể với tiềm năng trung hoà nhiều loại biến thể HIV khác nhau. Những kháng thể này rất hiếm và cực kỳ bất thường, nhưng các nhà khoa học hiện đang nắm chúng trong tay.

Ngoài ra, các nhà khoa học gần đây đã tìm ra cách để đạt được khả năng bảo vệ của các kháng thể đó suốt đời từ chỉ một lần cấp duy nhất. Suốt đời đấy! Điều này phụ thuộc vào một virus vật chủ trung gian - một vật chủ trung gian gọi là virus adeno. Khi vật chủ trung gian này được tiêm vào cơ bắp, các tế bào cơ sẽ trở thành hệ thống nhà máy liên tục sản xuất ra các kháng thể trung hoà vô cùng tiềm năng. Cho đến lúc này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện được việc sản xuất các kháng thể này liên tục suốt 6 năm rưỡi trên một con khỉ.

Chúng ta đang đạt được những kết quả khả quan. Đừng đầu hàng!

Minh.T.T (theo HowStuffWorks)

Adblock test (Why?)


Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Năm lý do khiến bạn nên mua một chiếc AirPods Max
>> Tai nghe Galaxy Buds2 đang được chế tạo, thiết kế có nhiều nâng cấp
>> Loa 7.1 Là Gì? Hệ Thống Âm Thanh 7.1 Được Sắp Xếp Như Thế Nào?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét